Ông đưa tay lên:
– Xin quí cô thong thả cho một chút, tôi không muốn quí cô hiểu lầm. Quí cô đang nghĩ là nổi sợ hãi và diễn biến chậm chạp của các sự việc sau theo đuổi ông ta mãi. Không. Đây là yếu tố kỳ lạ nhất của câu chuyện.
– Tony nói với tôi, những cảm nhận này chỉ xảy ra với ông như chỉ trong một cơn, một khoảng thời gian ngắn khoảng 15 phút, ngay trước khi tàu Queen Anne khởi hành và ngay sau đó. Chẳng những tôi cảm thấy sư vật không thật nữa, mà còn âm mưu thâm độc, hận thù và nguy hiểm nữa. Chúng bủa vây, đè ép ông. Ông cảm thấy chúng xâm nhập ông như một luồng điện ắc quy. Nhưng 5 phút sau, tàu đang hướng mũi ra khơi, chúng biết mất. Giống như ông ra khỏi một màn sương mù dày đặc. Điều này thật vô lý. Dù tin có cô hồn, quỉ âm chăng nữa, cũng không thể tin rằng quyền lực của chúng chỉ giới hạn trong một vùng, các cánh tay bạch tuộc của chúng tuột ra sau khoảng cách nửa dặm, chúng không còn ảnh hưởng trên môi trường nước. Nhưng chúng lại có thật. Vài phút trước đây ông còn cầm súng đứng đó, tiếng máy tàu đậìp vào tai ông, một xung lực kinh hồn thúc đẩy cánh tay ông đưa súng lên, kê vào miệng và…
Rồi “phựt”, một cái gì đứt. Ông ta chỉ diễn tả được như vậy. Ông ngồi thẳng dậy, ông như người vừa qua cơn sốt, run rẩy, ướt đẫm mồ hôi. Ông thực sự lùi lại sau bức màn, trở lại thể giới thực. Ông hít một hơi sâu, rồi ra cửa sổ bên hông tàu, mở ra. Từ lúc đó ông thấy tâm hồn ổn định hơn.
– Tại sao khẩu súng ở trong phòng ông. ông không biết. Chắc là ông đã có mang nó theo trong một cơn mất trí chăng? Ông chẳng nhớ gì cả. Ông nhìn khẩu súng với con mắt mới, tâm tình yêu đời như kẻ được minh oan vào phút chót được dẫn từ pháp trường về.-
– Quí cô có thể nghĩ ông ấy sợ không dám sờ đến khẩu súng ấy nữa và vứt nó xuống biển cho rồi. Không. Đối với ông, nó là một phần của bí ẩn. Ông nhìn nó thật lâu: khẩu Browning 38, chế tại Bỉ, lắp đầy đạn. Ông cất nó trong rương, khóa lại. Vài ngày sau ông vẫn còn nghĩ về nó. Nó là một vật chứng ông có thể mang về nhà, một vật cụ thể trong cơn ác mộng.
– Ở cảng New York, nhân viên hải quan xét thấy nó, nhưng chẳng ai ngạc nhiên. Ông mang nó theo đi du lịch khắp nước Mỹ, Cleveland, Chicago, Salt Lake City, sang San Francisco trong một ngày sương mù, rồi vượt vùng biển lửa sang Honolulu. Ở cảng Yokohama người ta định tịch thu nó, ông phải hối lộ một số liền lớn mới giữ được nó lại. Sau đó ông mang nó thường trực trong người mà chẳng bao giờ bị xét cả. Giống như các sợi thần kinh đứt của ông được đan kết lại, trong dải nước xoáy lộn ngầu của chân vịt, có chỗ nước lặng. Khẩu súng như một linh vật đem lại may mắn cho ông. Nó theo ông qua Ấn Độ Dương nóng hừng hực, vào biển đỏ đục ngầu, sang Địa Trung Hải. Đến Port Said sang Cairo vào lúc chớm Đông. Đến Naples, Marseilles qua eo Gibrattar. Ông để nó nằm gọn trong túi hông, sau hơn 8 tháng du hành. Tony Marvell, một người bình phục hoàn toàn, vào một đêm giá lạnh, lên bộ từ tàu Chippenham Castle tại cảng Southampton.
– Đêm đó tuyết rơi dày, quí cô còn nhớ không? Đoàn tàu hỏa chạy rầm rầm trên đường ngập tuyết. Tàu thì đông và máy sưởi lại hư.
Tony biết chẳng có ai đón mình ở ga vì cuộc hành trình đã được sắp đặt trước, và ông tuân thủ lời khuyên của người em bác sĩ, không gửi dù chỉ một bưu hoa. Nhưng ông đã đổi lộ trình, đi chiếc tàu khác để kịp Giáng Sinh ở nhà. Ông sẽ thăm họ trước dự định một tuần. Đối với họ, hơn 8 tháng ông đã sống trong khoảng không, vô thực. Vài giờ nữa, ông sẽ có ở nhà, ông sẽ thăm Judith.
Trong cái phòng dành riêng cho 4 khách, sáng tù mù, các đồng hành của ông ít nói chuyện. Chuyến đi dài đã làm họ hết muốn nói năng gì, họ ghét nhau nữa là đằng khác, mặc dù cảnh tuyết rơi quen thuộc gợi cho hạ chút ấm lòng.
Một người lên tiếng:
– Đúng là Giáng Sinh cổ truyền.
– Vâng! Một người khác đồng tình, cào cào móng tay vào cửa kính mờ tuyết.
Người thứ ba ca cẩm:
– Cái lạnh chết liệt. Cái sở hỏa xa này chắc chẳng bao giờ mở máy sưởi, tôi phải khiếu nại mới được.
Sau vài tiếng cười trừ, chịu thua, họ thu mình đọc tin nhà.
Lúc đó Tony nghĩ mình đã trở về Anh, ông chỉ vờ đọc báo thôi, ông dựa lưng vào thành ghế, nghe những tiếng cục kịch đơn điệu của bánh xe. Ông nghĩ tới những việc sẽ phải làm. Khi đến ga Waterloo chắc chỉ 10 giờm ông sẽ nhảy lên một taxi, về nhà này và tắm một cái, giũ bụi đường xa. Ông sẽ lẳng lặng đến thăm Judith ở Hampstead càng nhanh càng tốt. Chỉ nghĩ vậy thôi đã khiến mặt ông tươi tỉnh lên, thấy lòng mình hơi lạnh. Ông phải chiến đấu với mình, dẹp nỗi cô đơn trong lòng, phải nhờ đến tò báo để bỏ ý nghĩ đó đi. Ông tự cười mình, ông giở hết trang này đến trang khác, liếc qua các đầu đề. Ông dừng lại, một cái gì đập vào mắt ông, một cái tên quen quen, ở một mục chìm trong đám chữ rậm rì.
Ông đọc được cáo phó về chính cái chết của mình như sau: “Ông Anthony Dean Marvell, ở Upper Avenue Road, quận St. John s Wood, chủ nhân công ty khách sạn Marvell, bị bắn chết trên giường tối qua ở nhà mình. Viên đạn xuyên từ vòm miệng lên óc, một khẩu súng lục tự động còn trong tay. Thi thể được bà quản gia Reach phát hiện…”
Một vụ tự tử!
Một lần nữa, cũng nhanh như lúc nó rời trên tàu, cái cảm thức ấy lại ập lên ông, đẩy ông từ thế giới hữu hình sang thế giới vô hình. Như tôi đã nói với quí cô, phòng riêng trong toa xe chỉ sáng lờ mờ, nên ông chỉ thấy một bức tường vô hình của tờ báo che trước mặt, các bạn đồng hành như đã bỏ ông một mình, họ không còn ở đó nữa, chỉ còn tờ báo rung rinh theo nhịp tàu.
Vâng, ông chỉ cô độc một mình, lết ra cửa rồi ra hành lang toa. Khoảng không bít kín làm ông muốn ngộp. Ông nâng cao tờ báo để đón ánh sáng trên đèn trần toa xe để đọc lại.
Không còn lầm vào đâu được nữa, cái cáo phó nói thật chi tiết về ông, quá khứ và hiện tại…
… Em ông, Stephen Marvell, chuyên gia phẫu thuật xuất sắc ở phố Harley được triệu tập tức khắc… Vị hôn thê của ông, cô Judith Gates… Ta biết rằng hồi tháng 9 năm ngoái ông bị đột quy, nhưng sau một thời gian dài nghỉ dưỡng sức mà không bình phục…
Tony nhìn dòng ngày tháng, lo sợ bâng quơ. Nhưng không, chính là ngày hôm ấy, 23 tháng 12 . Theo đó thì ông đã tự sát được 48 giờ rồi.