Mike cho bà ấy biết hết chuyện. Bà ấy châm chọc:
“Thật là chuyện con nít. Ông đâu có hiểu biết gì về con nít, chàng thanh niên? Freddy sẽ đi ngủ một mạch cho đến sáng. Chắc chắn sẽ như vậy.
– Có thể bà nói đúng. Tôi cũng mong được vậy.
Bà Somers hất toẹt khoai nghiền vào chảo rán. Môi bà run lên vì tức giận. Bà ấy bực mình vì không dám chắc sự việc sẽ suông sẻ như lời mình nói. Anh ta lại tin rằng mình làm được như vậy.
Russell quan sát đường phố rồi băng sang nhà ông Matlin. Chính ông ấy ra mở cổng. Không khí trong nhã tù hãm, khét mùi dầu mỡ cũ. Mọi thứ đều ở trong tình trạng phải chống đỡ tạm thời và tuyệt vọng. Nhiều thứ lẽ ra đã phải sửa chữa tu bổ, nhưng không. Căn nhà thì quá lớn. không đủ sức, không đủ tiền để tu sửa bảo trì. Đơn giả là quá khả năng.
Bà Matlin không đi lại được. Ai cũng có thể thấy bà ấy đã phấn đấu hết sức. Bà ấy nhìn thẩn thờ, như thể phải lo lắng điều gì thường xuyên, chiếm chín phần mười năng lực của bà. Cô May Matlin khấp khểnh đi vào, ngồi xụp xuống, không còn sinh khí.
Russell mở lời đầy nhiệt tình:
– Cụ Matlin ạ, tôi không biết tình trạng căng thẳng giữa cụ và bọn trẻ bắt đầu như thế nào. Tôi đoán chúng vì tỉnh nghịch quấy phá cụ. Chúng có vẻ khoái chí lắm.
Anh mỉm cười, cố tỏ tình thông cảm với cụ.
Cụ Matlin nhìn Russell hể hả:
– Dĩ nhiên là chúng khoái rồi.
Cô gái tật nguyền nói:
– Chúng gọi cháu là mụ phù thủy, rồi giả vờ là sợ cháu. Chúng là những thằng quỉ. Cháu khiếp chúng quá.
Ông cụ Matlin nháy mắt bồn chồn với bà cụ ngồi trong xe lăn, rồi nói với Russell bằng một giọng rên rỉ:
– Sự thật chỉ là chúng chơi ranh ma độc ác.
Vợ ông nói lí nhí:
– Thật tệ quá, tôi nghĩ tình hình còn nguy hiểm nữa.
– Mẹ ơi, mẹ đừng lo gì cả – Cô con gái nói với một giọng cương quyết tự tin, khác hẳn. Con không để chúng phá mẹ đâu. Không đứa nào sẽ dám làm phiền mẹ cả.
Ông Matlin chặn lời con:
– Im đi May, con sẽ làm mẹ con sợ đấy. Dĩ nhiên đâu có đứa nào phá mẹ con được.
Russell nói nhỏ nhẹ:
– Dĩ nhiên có nguy hiểm đấy bà Matlin. Chính vì vậy mà tôi phải qua đây.
Ông cụ Matlin trố mắt kinh ngạc:
– Cái gì? Nguy hiểm gì vậy?
– Xin cụ tin theo lời khuyên của tôi, hôm nay ông đi ngủ ở nơi khác. Khi đi cố đánh động cho bọn trẻ biết.
Cụ Matlin chồm lên vì bị chạm tự ái:
– Không! Sao ông lại khuyên tôi như vậy được. Dù bất cứ biến cố nào, tôi cũng không ra khỏi nhà tôi – Giọng ông cất lên cao hơn – Ngoài ra cũng không khi nào tôi để vợ con tôi một mình.
Bà Matlin góp ý một cách lo lắng:
– Mẹ con tôi tự lo liệu được mà, ông.
Russell nói cho họ biết câu chuyện của bọn trẻ dưới gốc sồi, về súng nhựa.
Ông cụ Matlin thốt lên sửng sốt:
– Đúng là bọn quỉ sứ, chúng hoàn toàn…
Bà Matlin run rẩy
– Ôi, anh Earl, hay tốt hơn là chúng ta đi cả đi.
Cụ Matlin giận đỏ mặt tía tai:
– Chúng ta sở hữu chủ ngôi nhà này, chúng ta đóng thuế, chúng ta phải có quyền. Cứ để mặc chúng. Xem chúng có thê làm trò đó không? Lúc đó thì luật pháp phải lên tiếng. Thật là loạn, suy đồi quá rồi. Tôi không làm hại con cho đó. Bởi vậy, tôi thách…
Ông tỏ ra quan trọng và ngốc nghếch, như ông thẩm phán đã nói, mặt tím đen, đôi mắt thẫn thờ long lên.
Russell đứng dạy và từ tốn nói:
– Tôi chỉ đề nghị cụ vậy thôi, vì đó là cách giải quyết êm đẹp nhất. Nhưng xin bà Matlin đừng lo, vì tôi…
Bà lo lắng nói:
– Nhưng súng nhựa có thể làm mù…
– Hoặc còn tệ hơn nữa – Russell đồng tình với bà – nhưng tôi đã nghĩ tới…
– Đừng nói – ông Matlin gầm lên. Ông không thể đến đây dọa vợ tôi! Bà ấy không được khỏe, ông không có quyền.
Ông đứng gậy, dạng hai bàn chân thẳng góc nhau lấy thế. Hai cánh tay ngắn, mập dang ra, ngấn thịt dưới cằm rung lên:
– Xéo ra ngoài!
Ông trông thật tức cười.
Không hiểu Ruselll và bà cụ trong xe lăn có cảm thông nhau không. Dĩ nhiên Russell phải bước ra ngoài. May Matlin lò cò theo, ở cửa cô nói:
– À! dẫu sao thì ông cũng đã báo cho chúng tôi biết trước.
Russell lại đi băng băng trên vỉa hè. Bóng dài của cảnh vật theo ánh tà dương nhảy nhót trên đường. Những căn nhà cổ đồ sộ nhuốm nắng vàng có đường nét dịu dàng hơn, cạnh những tàu lá xanh. Anh tới chỗ cây sồi lớn. Anh cũng ngồi xổm xuống. Những chùm tia vàng nghiêng, xuyên qua tán lá chiếu được tới những cành nhỏ bên dưới. Anh hỏi:
– Chuyện của các em đến đâu rồi?
Freddy Titus cứng người, im lặng. Phil Bourchard cố ra vẻ bình tĩnh trả lời:
– Cũng được ạ.
Ánh nắng chiếu qua cặp mắt kính cú vọ, rọi vào mắt cậu làm cậu hấp háy.
Russell mở miệng định nói, anh ngập ngừng. Chuông đồng hồ quanh vùng điểm giờ ăn tối. Những tiếng gọi nhau í ới ngân lên như chuông.
– Mẹ tớ gọi – Ernic Allen tuyên bố – Tạm biệt. Gặp lại, Freddy.
– Tạm biệt.
Tiếng hú gọi của bà Somers cũng vang lên hòa theo. Đến lượt Freddy cũng đứng lên, người thuỗn ra.
– Tốt đẹp chứ Freddy?
Mấy tiếng thường dùng ở cửa miệng người Mỹ, có nghĩa bớt buồn chưa hay dễ chịu chưa.
– Tốt đẹp.
Freddy trả lời ngay bằng hai tiếng đó nên chàng thanh niên còn nói gì được nữa. Anh hé môi rồi lại ngậm lại. Freddy đang băng qua sân cỏ vào cửa sau nhà. Có một cái tô sành dưới vòm cửa sau. Hai ống quần chẽn của cậu bó sát hai mắt cá bước qua tô. Mike Russell quan sát kỹ rồi với điệu bộ như vung tay, anh bước lên thềm nhà ông thẩm phán.
Ông thẩm phán mở cửa:
– Sao, anh bạn đã nói chuyện với bọn trẻ chưa?
Russell chưa trả lời. Anh ngồi xuống. Thẩm phán đứng trước mặt anh:
– Toàn bộ việc này, quan trọng nhất là phải giải thích cho chúng hiểu – Mike trả lời thiểu não – Tôi không thể giải thích được gì. Tôi mở miệng ra mà chẳng có ý nào cả. Tôi chưa thân thiên được với chúng.
Có lẽ tốt hơn, tôi nên…
– Ngài định nói gì ạ?
– Sao còn hỏi, cho cậu ấy biết lẽ phải và sự thật.
– Sự thật chỉ là con chó đã chết.
– Nhưng chẳng có bằng chứng nào chứng tỏ ông Matlin đã giết nó.
– Nhưng cũng chẳng có bằng chứng nào tố cáo kẻ lang thang. Chuyện đó lôi thôi quá.
– Anh muốn ám chỉ cái gì?
– Thẩm phán ơi, những đưa trẻ nghi đúng hơn chúng ta.
Thẩm phản bác lại:
– Vô lý. Cô bé đã thấy xác con chó trước khi ông Matlin về nhà.
Mike buồn bã nói:
– Không có chứng cớ ngoại phạm cho việc đánh bã.
– Vậy thì anh cho là cụ già nói dối à?
Mike thở dài:
– Những người nói dối. Làm sao bọn trẻ sẽ hiểu được sự thật và những lời nói dối? Với các bà như bà Page và đám trẻ, sự thật chỉ là cái ý định chủ quan của họ thôi. Bà ấy nói, cậu ấy nói: “tôi không nói láo, tôi cố gắng trung thực. Đừng có gán tội cho tôi là nói láo”. Thưa ngài, khi nào thì ta bắt đầu? Việc này chính là cái chúng ta bàn trong bữa ăn trưa vừa rồi. Đó là LẦM LẪN, điều Ngài và tôi đều tin là kẻ thù. Loài nguời đã được bảo đi bảo lại trong đau khổ ngậm ngùi như vậy, bài học cay đắng chỉ rút ra được sau hàng triệu năm.