Mọi người bèn lên núi, vịn dây bám rễ, lội suối vượt khe. Lên đến tận núi, quả có một am cỏ, đạo nhân đang ngồi tựa kỷ, xem tiểu đồng điều khiển con hạc. Mọi người sụp lạy trước am, nói lý do phải tìm đến. Đạo nhân bảo:
– Ta là người ở ẩn chốn rừng núi, chẳng bao lâu cũng sẽ chết, làm gì có thuật lạ? Các người quá nghe đó thôi!
Thấy đạo nhân nghiêm nét mặt từ chối, dân chúng thôi:
– Chúng tôi vốn không biết, đó là do pháp sư họ Ngụy ở quán Huyền Diệu chỉ giáo cho như vậy! Bấy giờ đạo nhân mới tươi nét mặt nói:
– Ta không xuống núi đã sáu chục năm nay, tên học trò bẻm mép làm phiền ta phải ra đi rồi!
Bèn cùng tiểu đồng xuống núi, bước đi thoăn thoắt, đến thẳng ngòai cửa tây, kết đàn phương trượng, ngồi xếp bằng ngay ngắn trên chiếu rồi vẽ bùa đem đốt. Bỗng thấy mấy thiên tướng được bùa gọi đến, áo gấm khăn vàng, giáp sắt giáo nhọn, đều cao hơn trượng, đứng sừng sững dưới đàn, khom lưng chờ lệnh. Đạo nhân ra lệnh:
– Ở đây có tà ma gây họa, quấy nhiễu sinh dân, các người há không biết hay sao. Mau mau xua chúng đến đây!
Mấy thiên tướng vâng lệnh đi, chốc lát đã gông cổ, cùm tay cô gái, Kiều Sinh cùng Kim Liên giải tới, rồi roi hèo tới tấp đánh xuống, máu túa dầm dề. Đạo nhân quát mắng một hồi, bắt phải cung khai. Thiên tướng lấy giấy bút đưa cho, ba người cung khai đến mấy trăm lời, nay chép đại lược như sau:
Kiều Sinh khai:
– Trộm nghĩ, góa vợ, cô đơn một mình tựa cửa, phạm vào lời răn chữ sắc, động tới ý muốn đa dâm; chẳng quyết đoán khi gặp rắn hai đầu như Tôn Sinh, để đến nỗi yêu con chồn chín đuôi như Trịnh Tử. Việc đã trót rồi, hối không kịp nữa.
Cô gái họ Phù khai: