Định nói với ông khi nhận cây đờn Kìm và cúi chào Năm Chắc, Cò Đúng và mọi người trước khi ngồi xuống ghế. Cô Ba Hạnh đưa đôi mắt thật nồng nàn nhìn Định trong tiếng vổ tay cổ vỏ của khán giả. Định nhìn về phía Hồng Thơm, lúc nầy cũng đang nhìn anh:
– Cô hát trọn bài VTB hay chỉ 18 câu thôi…?
Hồng Thơm ngẩn ngơ nhìn về phía Năm Chắc, thì Cò Đúng đã trả lời thay cho cô:
– Chị ấy ca lớp 1 với 3 câu chót lớp 2 thôi anh… đúng như anh nói là 18 câu đó…
Định gật đầu và bấm phím… Tiếng đàn Kìm của anh réo rắt, nhặt khoan, vững vàng như mây trôi gió thổi, khiến ông Bảy Thọ là tay đàn Kìm lão luyện cũng phải tấm tắc khen thầm, còn Mười Tung thì cau mày nghĩ ngợi… Hồng Thơm chấm dứt lời ca mà dư âm cùng tiếng đờn, tiếng nhịp song loan như đọng lại trong lòng khán giả tiếng trống trận, tiếng hò reo của quân Tây Sơn tiêu diệt giặc Thanh nơi gò Đống Đa… Năm Chắc hứng chí:
– Mình làm tiếp bài Bình Sa đi cậu…
Định chưa trả lời thì Cò Đúng lắc đầu:
– Bài nầy con chưa vững đâu chú Năm…
Nhìn Cò Đúng, Định mĩm cười trao cây đờn Kìm lại cho ông Bảy Thọ:
– Vậy chú Bảy đờn Kìm đi, cháu đờn guitar cho…
– Được đa… Ông Bảy Thọ cười hà hà nhận lại cây đờn Kìm:
– Anh Mười vào kéo Bình Sa luôn nha…
Nhưng Mười Tung từ chối:
– Lâu quá, tui quên rồi, thôi, ngồi nghe cũng được.
Và trong khán giả có tiếng:
– Cô Ba Hạnh ca Bình Sa đi…
Mọi người kể cả Định đều nhìn về Hạnh, Hạnh lần đầu tiên cảm thấy hơi hồi hộp dù rằng bài Bình Sa Lạc Nhạn “Hận Ô Giang” nầy cô đã ca nhiều lần… cô bước ra:
– Hạnh ca lớp III thôi nha…
Năm Chắc nhấn chữ “oan” trên chiếc đàn tranh:
– Chà, chà… thôi, con Ba và con Lựu chia đi… con Lựu hai lớp đầu, con Ba lớp chót… cho đã một bữa…
Hồng Lựu cô đào lẳng của gánh hát Hương Quê không đợi nhắc đã bước ra nhận micro từ tay Hạnh… Phải nói lần nầy, ông bầu gánh Hương Quê, Năm Chắc hình như đã chuẩn bị cho buổi chơi bài bản hôm nay… đào kép gánh hát của ông chơi bài bản tài tử rất nhuyển, chuyện hiếm thấy ở những đoàn cải lương… nhưng ông đã không độc chiếm được dàn đờn vì sự xuất hiện bất ngờ của Định… Nếu tiếng đờn Kìm của Định có tính vững vàng của một leader dàn nhạc thì tiếng guitar của anh bay bướm lã lướt hoà quyện nâng cao chất giọng cho người ca…mà trên hết là hầu như anh thông thuộc “thất thập nhị huyền công”, khiến sau khi đờn dứt bài “Tứ Bữu Liêu Thành” cho Nhựt Tài ca xong, Năm Chắc phải buộc miệng:
– Tôi thiệt phục chú em mầy đó nha, tôi lặn lội mày mò cũng chỉ được có bấy nhiêu, đêm nay đã xả láng hết rồi, mà chưa thấy chú em mầy buông đờn, hà hà hà, thiệt đã quá đi… Hỏi thiệt chú em mầy nha, chú em mầy học đờn với ai vậy?
Định cười:
– Dạ, thầy cháu chỉ là người vô danh trong nhạc giới… và Định nói lãng đi… cháu cũng cám ơn các chú, bác, vì từ khi biết đờn ca, cháu chưa lần nào được đờn như hôm nay.
Ông Bảy Thọ xen vào:
– Nước cũng sắp đứng lớn rồi, thôi mình chơi một cặp Tứ Bữu “Minh Hoàng Thưởng Nguyệt” và “Ngự Giá Đăng Lâu” rồi nghỉ là vừa, được không anh Năm?