Tôi đi ra nhận cây đờn tranh từ tay Hấu, trong lúc Hấu xách chiếc giỏ của Tư Én để trước xe Honda, cho Tư Én chống chiếc xe lên.
– Cũng may khi nãy về ngang chợ, gặp chị Tư, nên mang dùm chỉ cây đờn, chớ để chỉ vừa mang đờn vừa đi chợ chừng nào cho xong… Hấu cười lớn khi dứt câu nói. Cô Tư Én cũng cười khi thấy tôi nhìn cô:
– Thì cũng phải xong thôi, chỉ mua ít đồ gia vị, Hấu làm như đi chợ cho tiệc tùng gì lớn lắm vậy… và cô nhìn sang tôi:
– Hai anh tới lâu chưa vậy?
– Cũng vừa mới tới…
Vừa lúc đó thì có tiếng chú Ba Lành:
– Tụi bây coi con Tư cần gì thì phụ nó nha, tao xách nước cho, sẳn xối mấy gàu cho mát cái đã…
– Nước trong lu còn đầy chú Ba ơi, không cần xách thêm đâu. Hấu vừa cùng chúng tôi vào nhà vừa trả lời chú Ba Lành, khi thoáng thấy chú cầm chiếc gàu đi ra cái giếng sau nhà.
– Vậy khoẻ… chú Ba Lành cười lớn.
Tự nhiên, tôi thấy nơi chú Ba Lành cái cá tánh bộc trực chất phát của người nông dân đồng bằng Nam Bộ quê tôi, thường được thể hiện thật rỏ nét trong tác phẫm của các nhà văn trước 1975 như Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên… và không biết có phải cùng chung cám nghĩ với tôi không, mà tôi thấy cô Tư Én mĩm cười.
– Chú Ba vui tánh quá phải không cô Tư? Tôi gợi chuyện.
– Chú ấy là sư phụ của em mà, còn anh thì sao? vui tánh hay khó tánh đây?
Tôi ngẩn người, chưa kịp trả lời sao với sự dạn dĩ của cô gái, thì cô đã cùng Hấu đi vào nhà bếp, mà trước khi bước Hấu còn nhìn tôi nhe răng cười:
– Hì hì, nhưng khó tánh cở nào gặp chị Tư thì cũng… hì hì hì….
Tôi cầm cây đờn tranh của Tư Én đem vô nhà trên mà lòng bỗng nao nao, câu hỏi của cô tuy tôi chưa trả lời, nhưng tôi biết chắc một điều, dù người nào có khó tánh cách mấy đi nữa, mà nhìn vào đôi mắt đó, đôi mắt tự tin pha một chút gì kiêu hảnh, thì cũng không còn gì để khó.
Đặt cây đờn tranh lên bộ ván ngựa tôi đi ngay xuống nhà bếp. Thằng Chiến coi vậy mà cũng nhanh nhẹn, hắn hầu như đã lặt xong rổ rau. Vừa thấy tôi hắn cười lớn:
– Mầy sướng thiệt nha Bình, cô Tư nói hôm nay mầy đặc biệt không phải làm gì cả, a lê, đi lên nhà trên, không được xuống đây.
– Vậy khoẻ… tôi chợt buột miệng nói lại lời của chú Ba lúc nãy, nhưng:
– Em nghĩ anh không khoẻ chút nào đâu… cô Tư bưng trên tay một thau nước nhỏ bước vào, và cô tiếp:
– Bài nhạc Lưu Thủy Bắc Oán Ai khó lắm đó, em hy vọng anh viết kịp bài ca để hát vào ngày giổ Tổ, chú Ba sẽ vui lắm…
Cô đặt thau nước xuống chiếc bàn nhỏ, cắt chanh nặn vào quậy đều, lấy bắp chuối hột lột bỏ mấy lớp lá già bên ngoài và thoăn thoắt bào vào thau…
– Giổ Tỗ ngày nào hở cô Tư? Tôi hỏi.
– Em không nhớ chính xác ngày nào, nhưng…
– Khoảng đầu tháng 9 dương lịch đó anh… Hấu bưng chiếc rổ nhỏ đựng hai con cá bông lau đã khứa sạch sẽ bước vào tiếp lời Tư Én.
– Được rồi đó Hấu, em nhúm lửa lên cho chị đi.
– Xong ngay.
Trong lúc Hấu loay quay chổ hai cái cà ràng để nhúm lửa thì tôi nhẫm tính:
– Còn hơn hai tháng mà…
– Coi vậy chứ nhanh lắm đó anh. Hấu vừa thổi lửa vừa trả lời tôi.
Vừa lúc đó, nhà trên có tiếng chú Ba Lành gọi tôi:
– Bình ơi, để trong đó cho tụi nó đi, mầy ra đây.
– Dạ, cháu ra ngay, chú Ba… Tôi vừa xoay lưng thì nghe tiếng Tư Én:
– Chú Ba, cuốn tập nhạc con để trong cây đờn của con đó.
– Tao biết rồi.
– Ê, Bình, bưng dĩa mồi nầy lên để chú Ba lai rai trước đi… Chiến gọi tôi.
– Ừ… Đón dĩa thịt quay từ tay Chiến, tôi đi lên nhà trên khi tiếng đờn Kìm của chú Ba Lành như thúc giục.