Thuở ấy công chức và học sinh đi Chợ Rẫy đều nằm chung một trại , gọi là “ Nhà giàu I”.
Tôi được tiêm thuốc hai hôm là hết sốt. Nhưng lệ nhà thương , sốt rét rừng cho nằm mườI lăm hôm.
Hôm thứ ba tôi ra ngoài sân, lại gốc me ngồi chơi thì lạ quá, trên băng đá dưới gốc me ấy , cô áo tím đang ngồi đan nón.
Tôi hoảng vía toan thối lui để chạy vào trại thì cô ta thấy tôi, mỉm cười chào tôi một cái. Tôi quýnh lên, đỏ cả hai tai rồi ú ớ như thằng câm.
Để cứu tôi, cô hỏi :
– Anh vào nằm đây bao lâu rồi ?
– Dạ ơ….hơ …. mười lăm
Sợ quá, đến số ngày cũng nói bậy .
– Em thì mớI có ba ngày. Anh bịnh làm sao và nằm phòng số mấy ?
Bấy giờ tôi đã hoàn hồn, bước lại gần băng mà đáp :
– Tôi nằm số bảy, trên lầu . Cô bịnh làm sao và nằm ở đâu ?
Thì ra cả hai đều sốt rét. Cô ấy nằm số 25 dưới đất. Hỏi phăng tới thì biết cô cũng học năm thứ hai , ban sư phạm, và tên là Oanh.
Oanh nói :
– Mấy tuần nay, em có ra luôn. Cậu em ngạc nhiên lắm mà thấy anh không tới. Cậu em nói anh học giỏI lắm, không lẽ lại bị phạt ở lạI ngày Chúa nhựt.
Không, không bao giờ cậu Oanh và Oanh biết lý do vì sao tôi không ra cả.
Nhà thương Chợ Rẫy lúc ấy là nơi gặp gỡ của lưu trú học sinh các trường trung học ở Sàigòn. Vài mươi hôm hết hạn , rồi lắm khi thân đến suốt đời. Kỷ niệm chung cũng nhiều lắm.
Oanh và tôi, cố nhiên, cũng trở thành đôi bạn . Đêm nào chúng tôi cũng ra hàng rào sắt đón chú giò chó quảy mua vài chiếc để ăn với sữa đặc nhà thương phát cho.
Cái thú ăn giò chó quảy to bằng cườm chân ở cửa Chợ Rẫy, không anh học sinh tiền chiến nào quên được cả.