Ngôi nhà cấp 4 lợp ngói đỏ nhưng đã xỉn màu bởi thời gian quen thuộc đã hiện dần ra trong tầm mắt của Trinh, tiếng đùa nhau của Ngọc và Chích chòe từ trong nhà vượt qua bức tường xây bằng gạch xỉ cắm đầy những vỏ sò vọng đến tai Trinh. Hơi cau mày vì 2 đứa em vẫn còn đùa nghịch Trinh đẩy chiếc cổng sắt sơn đã tróc gần hết đang khép hờ bước vào nhà. Hai đứa em Trinh đang nô đùa vui vẻ chạy lên chạy xuống bậc tam cấp dẫn từ sân lên gian nhà chính trống hoác chỉ có bộ bàn ghế gỗ cũ mèm và cái tivi đen trắng 14”.
– Hai đứa không rửa ráy thay quần áo ăn sáng rồi học bài hả! chị cho mỗi đứa một trận giờ! Ngọc không trêu em nữa, mau đưa em đi rửa ráy rồi lên nhà ăn sáng.
Câu nói kèm cái lườm của Trinh có tác dụng ngay tức thì, Ngọc và chích chòe lấm lét nhìn Trinh rồi bước ra bể nước rửa ráy. Nhìn bộ dạng của 2 đứa nhất là Chích chòe vừa đi theo Ngọc vừa đưa con mắt tròn xoe lườm trộm Trinh với cái mặt hậm hực làm Trinh muốn bật cười. Cúi người đặt cái rổ mỏ quạ xuống để tránh phải bụm miệng cười Trinh thoăn thoắt bước vào nhà lấy nồi cơm nguội ra xớt thật kỹ cho tơi rồi với cái chảo và liễn mỡ xuống gian bếp. Châm cái bếp dầu rồi đặt chảo đã được cho sẵn mỡ lên bếp, Trinh đổ cơm nguội đã đánh tơi vào chảo để rang, hôm nay có thêm ít tóp mỡ còn lại từ chiều qua nên trông chảo cơm ngon hơn hẳn, mùi cơm rang quyện vào mỡ chẳng mấy chốc đã vượt qua khuôn mặt đỏ gay dính vài lọn tóc mai bết lại trên mặt bởi mồ hôi để đánh động dạ dày của thằng em láu cá. Thế nên khi Trinh vừa quay người lại để gọi 2 đứa xuống ăn cơm đã thấy Chích Chòe ôm sẵn cái bát con và chiếc thìa nhôm đứng sau tự bao giờ. Bộ mặt chả còn tí nào hậm hực mà toe toét nịnh nọt
– Em rửa mặt đánh răng rồi! Chị Trinh lấy trước cho em ăn rồi em còn học bài!
Câu nói quen thuộc trước mỗi khi có gì ăn của Chích Chờe làm Trinh không thể nìn cười được
– Cứ có ăn là lấy lí do học bài ra để ăn! Hôm nay mà lại trốn đi chơi là chị về mách bố đấy! Biét chưa! Đưa bát đây nào ông tướng.
Đưa cái bát với bộ dạng ngập ngừng chích chòe ra điều kiện
– Nhưng chị phải cho em nhiều tóp mỡ cơ! Không em không ăn! Không ăn được thì không học được! Về em mách mẹ đấy!
Trinh ngao ngán bởi cái giọng lấy mẹ ra dọa suốt ngày của thằng em quái quỷ
– Được rồi đưa bát đây nào! Không nhanh chị cho hết chị Ngọc bây giờ
Không chờ nói thêm câu nữa Chích chòe đưa vội chiếc bát cho Trinh rồi đưa thìa lên miệng liếm láp tỏ vẻ háo hức và đói lắm rồi. Trinh lựa chỗ nhiều cơm ít cháy và nhặt cho thằng em những miếng tóp mỡ ngon nhất rồi đưa cho nó. Chích chòe chả buồn nói câu gì cầm chiếc bát chạy biến lên nhà hò hét
– Em có cơm rồi nhé chị Ngọc! chị không ăn chị Trinh ăn hết đấy
Trinh với thêm chiếc bát con xới thêm cho Ngọc một bát cơm phần còn lại trong nồi chỉ vẻn vẹn 3 thìa cơm Trinh lấy chiếc muôi nhôm sứt mẻ lồi lõm vét ăn nốt rồi mang nồi ra bể nước.
Nhìn chiếc bể đã cạn nước Trinh vội vàng buông gàu xuống chiếc giếng đục ngàu múc những gàu nước vàng khè mang mùi tanh tanh đổ vào chiếc bể lọc được làm bởi sỏi trắng và cát. Múc nước đã thấy tạm đủ để sinh họat trong ngày Trinh vấn mái tóc xơ xác lên cao hơn gáy, rửa qua cái mặt. Giật chiếc khăn mặt treo trên sợi thép chăng ngang bể nước Trinh lau qua mặt rồi bước vào nhà.
Ngọc đang cặm cụi trên chiếc bàn học kê sát cửa sổ với những chấn song sắt hoen gỉ để đón sáng, thằng em trai thì ngồi trên giường của ba chị em liền kề với bàn học nghịch những viên bi sắt bóng lóang mà thi thoảng bố xin được của mấy chú thợ máy làm đồ chơi cho nó. Vừa nhìn thấy Trinh bước vào nó dấu biến mấy viên bi vào vỏ chăn rồi xoen xoét cái giọng:
– Em vừa ăn xong no lắm! Cho em nghỉ tí lát nữa e học chị Trinh nhé
Lắc cái đầu dứt khoát Trinh đáp lời:
– Không được Chích chòe hư chiều chị không cho đi tắm biển đâu đấy! Lấy vở ra viết lại bảng chữ cái chị xem nào! Không thấy chị Ngọc ngồi học chăm chỉ ah!
Xị cái mặt ra thằng em trai vùng vằng rời khỏi giường đến bàn học lấy cuốn vở bìa xộc xệch được Trinh đóng lại từ những trang giấy ôly còn thừa từ những cuốn vở cũ và lấy chiếc bút chì bị nó cắn nham nhở phần cuối bút ra ngồi nắn nót viết từng chữ. Tạm hài lòng với thằng em Trinh gấp gọn chăn mà vừa bị xới tung bởi nó rồi kéo từ gầm giường chiếc hòm sắt cũ kỹ. Mở chiếc hòm bên trong toàn sách Trinh lựa bộ sách lớp 6 bìa được bọc cẩn thận bằng những tờ giấy báo của Trinh ngày xưa để cho Ngọc năm nay học. Những cuốn sách được mua bằng không biết bao nhiêu tôm và cá của bố khiến Trinh rất cẩn thận giữ gìn khi học, ngay cả cái nhãn vở ghi tên Pham Ngọc Trinh lớp 6A ngày nào vẫn còn rõ nét.
Ôm bộ sách ra ngòai và đẩy cái hòm trở về vị trí cũ Trinh tiếng ra bàn Học nơi Ngọc đang cặm cụi ôn lại kiến thức cũ, gương mặt bướng bỉnh của Ngọc thường ngày mỗi khi học trở nên ngoan ngoãn và dễ bảo vô cùng, dường như Ngọc cũng đã thấm nhuần cái tư tưởng của bố và Trinh nhồi vào đầu là “Chỉ có học mới có được cuộc sống no ấm”.
– Từ mai em bọc lại sách vở và thay nhãn đi nhé! Nửa tháng nữa là vào năm học rồi em thay nhanh rồi đọc trước những bài học trong sách dần đi cho đỡ bỡ ngỡ khi vào năm học mới như chị ngày xưa.
Ngọc ngầng đầu lên đưa đôi mắt háo hức vào chồng sách trên tay Trinh và ôm vội lấy vào lòng như được nhận món quà qúy giá.
– Vâng nhưng em chỉ thay nhãn thôi! Chứ bìa bọc vẫn đẹp mà chị!
Trinh gật đầu vơi ngọc rồi đưa tay chỉnh lại cái khung kính bị lệch dán chi chit những tấm bằng khen học sinh giỏi của Trinh và Ngọc được bố đóng lên bức tường phía trên bàn học. Bức tường ố màu vì nước thấm ra từ những vết nứt chi chit do được trát bằng cát biển càng làm nổi bật cái khung kính lúc nào cũng được lau chùi cẩn thận bởi bàn tay của bố. Với bố nó là thứ qúy giá nhất trong nhà và mỗi khi nghỉ ngơi bố Trinh hay ngắm nhìn nó với một gương mặt đầy tự hào.
Chợt có tiếng mở cổng và tiếng mẹ réo rắt ngòai sân
– Trinh, Ngọc đâu rồi nắng lên cao thế này chưa giặt quần áo mà phơi ah! Định ngày mai ở truồng hết cả hay sao thế.
Trinh vừa mới kịp “Dạ” một tiếng thì thằng em trai đã chạy biến ra khỏi chiếc bạn học kêu ầm lên:
– A! mẹ về! Mẹ đi chợ về rồi!
Tiếng mẹ vọng lại từ ngòai sân
– Chích chòe của mẹ hả! Hôm nay có ngoan không con! Viết được nhiều chữ chưa! Bánh rán của Chích chòe đây!
Tiếng chích chòe hớn hở vâng dạ nhồm nhòam không làm Trinh và Ngọc ghen tị, bởi cả 2 chị em đã quá quen thuộc với việc đứa em trai bé bỏng được mẹ chiều chuộng. Trinh vỗ vào vai em
– Em cứ học đi để quần áo đấy chị giặt với giúp mẹ cơm nước cho! Lát ăn trưa xong thì em rửa bát cũng được.
Trinh vừa dứt lời cũng là lúc mẹ Trinh réo gọi thêm lần nữa:
– Đâu rồi không đứa nào ra đỡ tao một tí ah! Suốt ngày học với hành sách với chả vở! Đã bảo thằng bố mày cho một đứa theo tao chợ búa đỡ đần tao thì không nghe. Khéo đời con chưa kịp nồi thì tao với bố chúng mày đã chìm xuống bùn xuống biển cả rồi.
Tiếng cằn nhằn của mẹ khiến Trinh hơi tủi thân dù cũng đã nghe không biết bao lần nhưng Trinh vẫn thoăn thoắt đôi bàn chân ra dắt chiếc xe dạp vào nhà cho mẹ, mang mấy cái thúng, mẹt vẫn còn dính đầy muối trắng và bốc mùi tanh nồng của những mẻ tôm cá mẹ bán ngòai chợ buổi sớm, rửa thật sạch rồi phơi ra trước nắng để ngày mai mẹ lại tất tả mang đi trong khi trời còn chưa sáng hẳn. Mở chiếc làn có ít rau mùng tơi Trinh đem rửa qua để nấu canh với mỏ quạ, ít cá bị dập còn thừa lại được mẹ ướp sẵn với muối trong chiếc túi nilon Trinh bỏ ra ngoài để lát nữa kho làm thức ăn mặn. Tiếng mẹ đầy ngán ngẩm vọng ra từ gian phòng của bố mẹ vọng ra khi Trinh đang chuẩn bị vò những chiếc áo đầu tiên
– Chẳng biết bao giờ thuyền bố mày về! Cứ đi lấy cá nhà người khác rồi đem lên chợ bán lời lãi chẳng được bao nhiêu mà toàn bị chúng nó đẩy cho cá nhỏ với cá ươn!
Khiến Trinh đang tủi thân vì mẹ mắng tự nhiên thấy thương mẹ vô cùng và càng quyết tâm học thật giỏi hơn nữa để bố không phải đi biển, mẹ không còn chạy chợ, các em không còn phải lem luốc thế này…