Không chỉ cãi lý với Nhà nước, các doanh nghiệp này lại luôn tỏ ra rằng việc tăng giá là bất đắc dĩ, chỉ là nhằm cân bằng mức giá đang bán lỗ nhằm hỗ trợ người tiêu dùng suốt thời gian qua. Trong khi thực tế, việc bán giá lỗ không phải vì sự hỗ trợ giá bán lẻ thấp, mà ở chính việc các doanh nghiệp này đã chi quảng cáo quá nhiều. Toàn bộ khoản tiền này, xét cho cùng, đều đã được đưa vào giá bán cho người tiêu dùng, bắt người tiêu dùng gánh.
Năm 2008, chính sách giá trần được Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chắp bút, nhưng đã sớm chết yểu. Bởi, các căn cứ pháp lý đều thiếu sức nặng. Khi đó, doanh nghiệp sữa chưa bao giờ bị phạt hành vi tăng giá quá mức, mặc dù rõ ràng, giá đã tăng quá sức chịu đựng của người dân.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp chưa bao giờ đưa ra mức tăng tới 20% trong vòng 15 ngày – là mốc bị xử phạt theo Nghị định 107 của Chính phủ. Hay các dấu hiệu bắt tay, liên kết tăng giá là khá rõ, nhưng chính Bộ Tài chính đã thừa nhận việc xác định các vi phạm này theo Luật Cạnh tranh là rất khó. Việc xử lý đều theo vụ việc, do Hội đồng cạnh tranh quốc gia thụ lý. Ngoài ra, việc xử lý của Luật Cạnh tranh lại chủ yếu là giải quyết các tranh chấp giữa doanh nghiệp với nhau. Do đó, không thể vận dụng luật này để xử lý vấn đề tăng giá quá mức của doanh nghiệp sữa.