Nàng tự tại với chức vụ của mình chỉ được hơn 1 năm, ý nghĩ xuất tu lại trở lại với nàng. Nhất là mỗi khi nàng được tin mấy đứa em họ và bà con láng giềng nối gót nhau lên xe hoa về nhà chồng. Nàng lại ray rức cho số phận của mình. Nhiều lúc nàng mạnh dạn định tỏ lòng mình ra cho viện trưởng hiểu, nhưng rồi nàng lại do dự khi thấy mặt của phó trưởng có vẻ hăm he thành kiến với nàng. Rồi lại thôi. Cam chịu tiếp. Nhưng không chừng ở lại đây, ở như vậy mà tốt cho nàng hơn. Giả dụ như nàng có dám thố lộ điều bí mật này ra, nếu như người ta đồng ý cho nàng xuất tu, thì nàng phải tính sao cho cuộc sống sau này. Bao năm học ở đây ngoài những môn Thần học, Giáo lý ra người ta chẳng dạy nàng một thứ nghề nào trong tay, thế thì lấy gì mà sống. Gặm đất ăn à ? Hoặc chẳng lẽ phải trở về gia đình để cầu xin ăn bám, hay cưới quách thằng nào có tiền cho xong đời con gái. Thế giới này phức tạp quá, chưa kể, gia đình nàng sẽ đối xử với nàng ra sao một khi họ đã quyết tâm ép nàng vào con đường làm tu nữ vì mỗi lý do tạo dựng danh giá cho họ… Nàng thật sự không hiểu rõ, con đường nàng đang đi là do Chúa chọn cho nàng, một ơn Kêu gọi nào đó người ta thường bảo với nàng hay chỉ là một ý tư riêng nào đó mà gia đình nàng và xã hội chọn cho nàng. Thiệt khổ sở ! Chưa tính, nếu lỡ các Sơ vì một lý do nào đó không cho nàng xuất tu thì nàng phải sống làm sao những ngày kế tiếp khi biết vết nhơ về nàng nàng đã hiện thân ràng ràng ra trước mắt họ; Có thể họ sẽ luôn “rình mò” mọi hành động của nàng từ đó trở về sau. Họ sẽ sợ nàng làm mất đi danh giá của Giáo hội, của Dòng tu!
Nơi nàng sống là một quảng trường nhỏ có nhiều phòng học, còn gọi là “Nhà kín” dùng cho các tu nữ như nàng ở và học; họ còn gọi là “thỉnh sinh” sau ngày mãn khóa sẽ được làm Sơ. Nhà kín đó được xây cất từ lâu đời mà nàng không rõ là bao lâu vì trông nó rất cổ kính uy nghi, và đương nhiên là rất cũ kỷ. Chung quanh Nhà kín là các nhà lưu trú cho các học viên, và giành cho nữ tu tập hợp về từ các nơi khác, và một căn nhà nguyện bằng tranh nằm bên cạnh một ngọn đồi với những khu vườn cây ăn trái do các Sơ ở đây chịu khó trồng trọt. Cũng rõ là nơi đây rất ít cư dân; ngoài những thầy dòng và giáo sĩ , giáo dân sống gần đó thì chẳng có ai khác cả. Nhờ vậy mà ai nấy cũng thân quen nhau như một gia đình; hoặc như có bất kỳ ai khác vào viếng họ đều nhận ra ngay. Những người giảng huấn ở đây rất nghiêm khắc, họ gồm các nữ tu già truyền giáo Kinh thánh cho trường nữ. Họ còn gọi là các Sơ – Các Sơ “khắc khe” xấu xí nàng thường gọi họ như vậy mỗi khi nàng bị trách phạt, hay những khi nàng bị réo rắc hàng chuổi kinh lê thê lòng thòng mà nàng đã chán tới cổ – Họ là những người chỉ biết sống cho đạo, hy sinh gần cả cuộc đời này cho nhà thờ với các nổ lực truyền giáo, tạo dựng Dòng tu nữ cho lớn mạnh, nhất là tạo dựng những người như Quỳnh Mai đây. Nàng kính ngưỡng họ với sự hy sinh tận tụy đó, nhưng ghét họ đã kéo nàng đi chung một con tàu nàng không bao giờ muốn tham dự.
Nhớ ngày xưa, Quỳnh Mai đư ợc tiếp nhận làm truyền đạo sinh, làm một nữ sinh từ một nơi xa tới xa đến. Nàng rất hồn nhiên nhí nhảnh, thường hai nô đùa và giễu cợt. Chính nàng cũng thật không ngờ là tánh tình con người quả có thể thay đổi theo hoàn cảnh. Nàng là một trong số những người đó. Thật đã có quá nhiều thử thách khó khăn đã xảy ra nơi này làm cho bao người thất bại trong ba năm học làm tu nữ, nếu như có qua được thời gian thử thách này họ còn phải thêm hai năm thực tập đi truyền giáo khắp nơi, cái đó mới là cái khổ, và khổ hơn hết vẫn là sau cuộc khi họ đã thành vị tu nữ chính thức thì họ sẽ “được” gởi đi các vùng sâu xa phục vụ việc truyền giáo cho nhiều người. Rồi cuộc sống sau đó sẽ đi về đâu, xứ nào hoặc một góc nhỏ xa xôi nào đó ít có bước chân người lai vãng.
Nghĩ tới cuộc đời này của nàng phải gắn liền vùi trong Nhà kín và sau này đời nàng sẽ vất vưỡng nơi chốn nào, Quỳnh Mai ưu tư suy tưởng, nàng bắt đầu có những ích kỷ cá nhân, một điều tối kỵ trong quy luật làm tu nữ. Thầm nghĩ rằng : Với sắc đẹp này của nàng nếu ở ngoài đời chắc hẳn nàng cũng trở thành hạng trung lưu thượng lưu nào đó, hay là một hoa khôi của một tổ chức nào đó hoặc một diễn viên điện ảnh đủ chiếm cảm tình của mọi người, nàng có thể sẽ được một số chàng trai giàu có chức quyền đến quỵ lụy dưới chân nàng để van xin tình yêu. Còn bây giờ, sắc đẹp này để làm gì, thật hoang phí, khi sống trong một nơi hẻo lánh như thế này, hàng ngày phải đối mặt với những vị Sơ không lấy một nụ cười trên môi, sắc đẹp dù có theo năm tháng rồi sẽ phai như các cụ Sơ đây, nàng biết vậy, nhưng biết làm sao!
Quả là cuộc sống ở đây của Quỳnh Mai chỉ là một nơi cực hình tạm bợ. Nàng biết một lúc nào đó nàng đợi một dịp thuận tiện nào đó, hoặc một cơ hội hiếm hoi nào đó, không biết đến bao giờ, để cho nàng vượt bỏ tất cả, trút bỏ tấm áo trắng tu nữ của nàng ra, để đón chào một cái thế giới bên ngoài thật mới mẽ sinh động, bởi chính nàng không hề muốn hiến dâng cuộc đời để đeo đuổi mục vụ cho một lý tưởng không phải của riêng nàng. Vức bỏ chiếc áo tu nữ cũng là để được tình yêu con người, tình yêu bình thường của trai gái mà nàng thường ao ước, chứ không phải tình yêu thương nhân loại của một vị chân tu đối với bá tánh. Nàng cũng ao ước được hưởng cái vật chất tầm thường mà bao cô gái có được. Một chiếc áo đẹp, một đôi giày mốt mới để sóng bước cùng người yêu, hoặc một chiếc xe đạp để chiều chiều nàng hóng gió trên con đường tráng nhựa thân quen, dưới hàng hoa Đào nở rộ… Hay những giây phút hẹn hò khi nghe lòng rộn rã trái tình yêu chớm nở … Nói chung, nàng còn lẩn quẩn về những thú vui nhục dục trong tư tưởng khó mà chống chế được xác tín của nàng. Chỉ có nàng mới hiểu!
Song, ba năm học đường dài đằng đẳng của nàng cũng lẳng lặng trôi qua. Bình dị, đơn sơn có thể gọi là tẻ nhạt, nhưng sống sót. Tồn tại. Nàng được giáo hội công nhận chính thức như một cái bằng người ta cấp cho sinh viên khi tốt nghiệp Đại học và nàng được Khấn dòng. Và được xứ lệnh gởi đi thực tập ở một vùng xa xôi mà ngay cả cái tên nàng cũng chưa nghe qua. Nàng biết sớm muộn gì cũng đến ngày này, cũng may là bao tháng qua nàng có chuẩn bị tâm lý trước.
Thời gian đầu thật là khó khăn khi đối chọi với nhiều sự thiếu thốn, cơ cực. Ấy vậy mà nàng cũng vượt qua được cũng như bao lần gian lao nàng lướt đi trót lọt. Sự gian lao ấy đã không làm cho nàng chùn bước, trái lại đã tạo cho nàng một hình thái mới, cổ điển thướt tha, đoan trang kính ngưỡng, tôn sùng, với ít ra đám học sinh của nàng dạy Giáo lý. Nhờ họ mà đã giúp nàng vượt qua tất cả sự thiếu thốn trong cuộc đời của nàng, nụ cười của chúng, cái thơ ngây của chúng … đã làm nàng sống lại với tuổi ấu thời, tô lên cái trần tục đủ màu sắc trước mắt nàng. Người con gái xinh đẹp ngày nào bây giờ còn đẹp hơn trong trang phục của một vị nữ tu hiền lành. Hiền hơn bao giờ hết từ trước đến nay, điềm đạm hơn, ăn nói từ tốn, bước đi chậm rãi … Âu cũng là một niềm an ủi chứ! Mọi thứ có vẻ thay đổi hoàn toàn trên người nàng từ đây, chỉ ngoài một ước vọng bí mật cao xa nào đó mà đôi khi trống vắng cô độc nàng có nghĩ đến … để rồi sám hối lần chuỗi ăn năn mấy ngày liền. Ôi, nàng đang kẹt giữa hai thái cực : thiên nhiên và hoàn hảo, nào ai có hiểu!