Bao nhiêu năm không yêu đương, gần gũi với bất cứ người đàn ông nào đến nay, khi đã đi hết hơn một nửa quãng đường đời, bà lại thèm được sống trong sự chăm sóc, quan tâm của một người đàn ông. Con cái bận bịu với công việc nên cũng chẳng mấy để ý đến cảm xúc của mẹ. Hồi ấy, cạnh nhà bà có ông Thăng góa vợ, hơn bà 3 tuổi, thi thoảng sang trò chuyện cùng bà những lúc rỗi rãi. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, trò chuyện qua lại thế nào hai ông bà lại phải lòng nhau. Hai con bà không hề đồng ý và ủng hộ chuyện tình yêu này của mẹ. Hai con nói: “Mẹ đã một đời vì chúng con thì hãy vì chúng con cho trọn một đời. Ở tuổi này mẹ đòi tái hôn thì khác nào dựng kịch để thiên hạ cười vào mặt chúng con”. Nhưng bà Hằng đã quyết, bà không để sự phản đối của các con phá hỏng tình yêu muộn mằn này của mình. Mà thậm chí, bà còn làm đám cưới to vì có tiền và bà muốn mình được bù đắp cho quãng thời gian đã hết mình sống vì con cái. Người già có cách yêu của người già. Bà Hằng tính tình có phần đồng bóng nên cuộc hôn nhân của bà lúc nào cũng ồn ào. Bà đòi được yêu như thời còn trẻ. Ông Thăng đã già nhưng cũng hết sức để chiều lòng bà vợ mới cưới. Ông bà cũng đi rạp xem phim, cũng hẹn hò ăn kem, cũng đi dạo, cũng chụp ảnh cho nhau, đi đâu cũng cầm tay, trước khi đi ngủ có hôn môi chúc ngủ ngon… Họ nói với nhau những lời ngọt ngào tới mức người trẻ nghe được còn cảm thấy không tin nổi. Thế nhưng chuyện tình già ngỡ tưởng đáng ngưỡng mộ này lại nhanh chóng sụp đổ.