Giương đôi mắt đục ngầu và đờ đẫn nhìn Bàng Quyên, Điền Văn than thở:
– Người xưa nói: “Cái trạch quân tử, năm đời chấm dứt”, không ngờ họ Điền, từ lão phu đến đời chắt Điền Liệt mới qua 4 đời thì đã hết.
Bàng Quyên không nói gì, trước mặt chỉ hiện lên cảnh gần 50 mạng người thân nhà mình đã ngã xuống, bởi một cái lệnh vô tình của Điền Văn năm nào.
– Tiên sinh không kiện tụng quan trên là muốn đích thân báo thù phải không? – Điền Văn lại hỏi.
Bàng Quyên gật đầu xác nhận, lúc này mọi lời lẽ đối với ông ta là thừa thãi.
– Trong trận Thạch Môn đại bại hai năm trước cùng quân Tần, trong số 60 ngàn binh sĩ Ngụy quốc hy sinh – nhà lão mất 4 con trai, 13 cháu, 3 con rễ và 7 cháu rễ. Họ Điền gồm 4 đời, đến bây giờ chỉ còn có 5 người đàn ông thôi tiên sinh ạ.
Để tỏ lòng sám hối, Điền Văn đãi tiệc mời Bàng Quyên, suốt buổi Điền Văn không nhắc đến ân oán nữa mà chỉ uống từng ly rượu đầy.
Lòng Bàng Quyên rối bời, một mặt không chịu trút bỏ ý muốn phục thù, vừa không nhẫn tâm nói rõ với Điền Văn; do vậy cũng uống rượu như điên. Từ sau bức bình phong phía sau tràng kỷ nhà họ Điền, hiện ra hai cô gái xinh đẹp tuổi chừng 19, bước đến quỳ cạnh Bàng Quyên, chìa những ngón tay búp măng trắng muốt dâng lên ông ta từng ly rượu. Thoạt nhìn biết không phải thuộc hạng nô tỳ, Bàng Quyên xua tay bảo:
– Hai thiếu nữ này không biết là người thế nào với lão tướng quốc, nên không tiện xưng hô, xin mời hai người lui ra.
– Họ là chị em sinh đôi khác mẹ với Điền Liệt, cha của Nữ Tường và Nữ Yên đều chết trong trận Thạch Môn. Hôm nay lão phu thực lòng xin tạ tội, nên sai chúng ra hầu rượu tiên sinh.
Lòng buồn bực lại liên tục bị chuốc rượu, chẳng bao lâu Bàng Quyên say mềm, ngã lăn tại bàn tiệc, được người hầu đỡ rời tướng phủ.
Bàng Quyên bất giác tỉnh giấc thấy trời đã sáng, phát hiện mình đã nằm trên giường nhà mình, bên cạnh vẫn là vợ và thiếp. Ông ta định đánh thức họ dậy, nhưng thấy không phải là Long Nguyên và Tiểu Lan mà là Nữ Yên và Nữ Tường, ông lo sợ ngồi phắt dậy, khoác áo nhảy xuống giường. Vừa đến cửa, thì gặp Long Nguyên đi ngược lại.
– Sao nàng lại để hai cô gái ấy đến nhà mình, rồi lại để họ lên giường chúng ta. – Bàng Quyên trách.
– Chàng chớ vội nóng, đợi thiếp nói rõ ngọn ngành cái đã.
Long Nguyên sợ hai cô gái họ Điền nghe được lại buồn, nên vội kéo ông ta sang buồng khác phân giải: lão cựu tướng quốc Điền Văn muốn chuộc lỗi bằng cách mang gả hai cô cháu mình cho Bàng Quyên làm thiếp. Nghe xong, Bàng Quyên bèn quyết liệt:
– Hãy đưa họ về Điền phủ, để họ làm thiếp sao tiện?
– Đưa về thế nào được? – Long Nguyên che miệng cười. – Đêm qua họ đã là người của chàng rồi, tất nhiên khi chàng thức giấc thì không nhận ra họ, mà chỉ tưởng họ là vợ của chàng thôi.
Bàng Quyên cười và lắc đầu, chứng tỏ việc vợ chánh nói là thực. Thảo nào lòng ông trong đêm lúc ngất ngây, lúc chua xót, chua xót rồi lại ngất ngây hơn. Trong đêm qua cả người Bàng Quyên hết đờ đẫn lại mê đắm, càng mê đắm càng thêm đờ đẫn, sáng ra đầu óc nặng trịch là vì lý do này.
Cách suy nghĩ của Bàng Quyên khác với người em kết nghĩa, Tôn Tẫn không thừa nhận thuật trị dân man trá đầy bá đạo, coi dân chúng như cỏ rác, coi hình phạt là cốt lõi. Bàng Quyên cười thầm: cuối cùng thì Tôn Tẫn cũng phải thừa nhận đây là xu hướng tất yếu của thời cuộc. Đến mùa xuân năm thứ 13 Chu Hiển Vương (365 tr. CN), khi đã rắp tâm biến Tôn Tẫn thành người tàn phế, Bàng Quyên lại thực hiện một nước cờ mới: ông đem gả A Trân và A Tú cho Tôn Tẫn.